Đăng nhập

Cổng TTĐT Xã Chi Lăng Nam - Huyện Thanh Miện

23/4/2023  |  English  |  中文

Lịch sử, văn hóa - Xã Chi Lăng Nam


Xã Chi Lăng Nam huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương cách Hà Nội 70km về phía Tây Bắc, cách Hải Dương 30km về phía Đông Bắc. Tọa độ địa lý: 20 độ 72 phút 68 giây vĩ độ Bắc, 106 độ 23 phút 26 giây kinh độ Đông, phía Bắc giáp xã Chi Lăng Bắc, phía Nam giáp xã Hồng Phong, phía Đông giáp xã Ngũ Hùng và Thanh Giang, phía Tây giáp xã Nhật Quang huyện Phù Cừ tỉnh Hưng Yên, ngăn cách bởi con sông Cửu An.

Tổng diện tích tự nhiên: 514.14ha. Tổng dân số: 6.500 người (số liệu năm 2023).

dc3.jpg

1. Những nhân vật lịch sử

Xã Chi Lăng Nam ngày nay gồm có 3 thôn: Thôn An Dương, Thôn Triều Dương và Thôn Hội Yên.

Làng An Dương từ xa xưa là do 3 làng hợp lại: Làng thứ nhất làng Nam Dương có 2 tên gọi khác nữa là làng Ao Dương, làng Yên Dương (khu vực Đảo Cò), thế đất của khu Đảo Cò là thế “Long vờn ngọc". Làng có một ngôi đình đồ sộ gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung và một ngôi chùa xây dựng trên mảnh đất đắc địa. Trước cửa đình có một đôi câu đối “Càn nguyên cung hậu trung an địa- Tốn thủy triều tiền tịch động thiên" có nghĩa là phía sau ở giữa là đất lành, phía trước là rốn nước trông như động nhà trời. Đại tự của chùa khắc 3 chữ “Phúc duyên tự".

cn.jpg

Làng thứ 2 là làng An Đông còn có tên gọi khác là làng Hoa Dương, làng Phương Dương thuộc xóm 2. Làng có một ngôi đình toạ lạc trên mảnh đất đắc địa ngay ngã tư Đảo Cò gồm 5 gian tiền tế, 3 gian hậu cung và một ngôi chùa cổ kính linh thiêng, liền kề với chùa là một giếng ngọc, trước cửa chùa về hướng Tây cách chùa hơn 100 mét có một ngôi miếu thờ bà quận chúa và hai nàng hầu, có tượng tạc bằng gỗ, cửa miếu quay vào chùa. Sau miếu là 5 gò đống, tất cả đều hình giống chiếc đèn thắp sáng quay về chùa. Chùa gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung. Hai gian hậu cung hai bên hình vòm cuốn. Chùa hướng chính Tây, liền kề chùa hướng Tây Bắc là giếng Ngọc. Đặc biệt, đáy giếng ngọc các cụ đặt một phiến đá hình vuông diện tích 4m2 và truyền rằng chỗ phiến đá này là trung tâm long mạch giữa hai hồ tụ lại.

Chùa và giếng ngọc toạ lạc trên thế đất “Ngũ đăng chiếu thư" có nghĩa là 5 ngọn đèn chiếu sáng đất của chùa lại trực tiếp chiếu vào quyển sách của chùa, mảnh đất này phát về đường tăng. Đất rất linh thiêng, tụ khí tốt lành.

Điều đặc biệt, phía Bắc và phía Nam của chùa, trên cùng một đường thẳng, ở giữa cách đều hai hồ là chùa Hoa Dương và Giếng Ngọc. Cả bốn mùa xuân, hạ, thu, đông khúc xạ ánh sáng mặt trời chiếu xuống mặt nước hai hồ như hai chiếc gương phản chiếu thành hình cánh cung. Chùa Hoa Dương và giếng Ngọc là điểm giao thoa khúc xạ ánh sáng kì diệu giữa hai hồ, đó chính là thiên khí, khí từ long mạch của giếng ngọc bốc lên đó là địa khí, các nhà phong thuỷ về đấy nói “Chùa Hoa Duong và Giếng Ngọc là nơi hội tụ khí âm dương trung hoà". Nơi này không khí trong lành và mát mẻ hơn các nơi khác ở xung quanh. Theo “Âm dương ngũ hành" thì đất này là “Tương sinh", đất rất đẹp và rất linh thiêng, khó nơi nào có được. Đúng như câu truyền miệng của các cụ từ xa xưa đến nay vẫn còn nguyên giá trị “Đức Ông chùa Hoa, Đức Bà chùa cũ". Bởi vậy, các cụ xưa kia đã dựng hai bia đá hai đầu đường trước cửa chùa khắc hai chữ “Hạ Mã" uy nghiêm (Xuống ngựa khi đi qua cửa chùa).

Chùa Hoa Dương có niên đại trên 300 năm. Đại tự của chùa là “Sùng Khang Tự". Năm 1847, đời vua Tự Đức, chùa Hoa Dương đổi thành chùa Phương Dương.

Chùa Hoa Dương từ bao đời nay đã có nhiều nhà sư về trụ trì.

         Năm 1890 trở về trước: Đại đức Thích Thanh Lâm.

         Năm 1890- 1918: Đại Đức Thích Thanh Mía.

         Năm 1918-1932: Đại đức Thích Thanh Tranh và Tì Kheo Ly Thích- Thích Diệu hộ trụ trì.

Làng thứ 3: Làng Đông An còn gọi tên khác là làng trên (xóm 3), làng có một ngôi đình và một ngôi chùa cổ kính tọa lạc trên mảnh đất độc nhất vô nhị “Ngũ mã chầu tiền thất tinh ứng hậu" có nghĩa là “Phía trước có 5 ông ngựa (Chùa Bà), phía sau có 7 ngôi sao" là ngôi chùa cổ kính nên có các nhà sư trụ trì (1918- 1932: Đại Đức Thích Thanh Tranh- Thầy chủ trì cả hai chùa: Chùa Hoa Dương và chùa Trên). Đại tự của chùa “Phúc Lâm tự".

Như vậy 3 làng: Nam Dương- Đông An- An Đông hợp lại thành 1 làng đặt tên là Làng An Dương vì vậy làng An Dương xưa kia có 3 đình, 3 chùa, 4 miếu: 1 là miếu Thổ Kì, 2 là miếu bà Quận Chúa, 3 là miếu xóm xây dựng cũ, 4 là miếu bà chúa vực.  Bia Kí hiện nay để tại khu vực Đảo Cò:

Bia số 1: Ghi chữ:

“Tân tạo cam linh kiều

Tín thí bia kí"

         Niên đại: Khoảng thế kỷ thứ XVI – XVII.

         Kích thức: Cao 115 cm, rộng 79 cm, dày 15,5 cm.

         Còn mấy chữ hơi mờ.

         Đặc điểm: Bia hình chữ nhật đứng, dẹt, đỉnh vòm. Mặt trước trán chạm lưỡng long chầu nguyệt, đao hỏa vân xoắn, chữ tên trong ô chữ nhật ngang cách nhau. Diềm xung quanh chạm hoa lá, vân xoắn, diềm chân trạm cánh sen cách điệu. Mặt sau, trán trạm lưỡng phượng chầu mặt nguyệt, đao hoả vân xoắn, diềm xung quanh trạm hoa dây xoắn, các hoa văn và chữ trên bia đều hơi mờ. Lòng bia hai mặt đều mờ hết chữ.

         Nội dung: Bia ghi việc tạo mới cầu Cảm Linh và họ tên những người đóng góp công đức xâu dựng cầu.

         Bia số 2: Ghi chữ “Triều Dương thị bi"

         Niên hiệu: Ngày tốt tháng 2 mùa xuân năm Minh Mệnh thứ 14 (1833).

         Đặc điểm: Kích thước, cao 117 cm, rộng 53 cm, dầy 26 cm còn khoảng chữ tên bia trong ô vuông khuyết góc cách điệu. Bia hình trụ tứ diện, đỉnh chóp trụ bị vỡ, trán với mái trơn, chữ tên bia trong ô vuông khuyết góc cách điệu, diềm xung quanh trơn, chữ mờ nhiều, hai mặt mờ hết chữ, hai mặt còn lại còn khoảng 400 chữ hơi mờ.

         Nội dung: Hai xã An Dương và Triều Dương huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương xây dựng chợ tại khu đất thuộc thôn Triều Dương, nhân dân đóng góp công đức nhiều, công việc hoàn thành, khắc ghi người công đức.

dm.jpg

Thôn Triều Dương có tên gọi khác là làng Giao có một đền cổ gọi tên là đền Mẫu, tọa lạc trên mảnh đất lành, trong đền có bức hoành phi ghi chữ “Đức trạch thâm" (nghĩa là: Âm đức sâu rộng),“Long tập Đinh Mão thu cung kính tiến dâng" (nghĩa là: Rồng hội tụ mùa thu năm Đinh Mão (1927) cung kính tiến dâng). Trước cửa đền là một hồ nước rộng với diện tích 5 ha, hồ quanh năm không bao giờ cạn nước và 2 ngôi đình cổ kính tọa lạc về phía Đông của làng. Cả 2 đình mỗi đình đều xây dựng gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung.

ctd.jpg

Thôn Hội Yên có tên gọi khác là làng Vối, làng có một ngôi đình và 4 ngôi miếu cổ. Tọa lạc trên những mảnh đất đắc địa của làng, đình xây ở trung tâm làng còn miếu Triều Trang ở phía Tây của làng thờ thành hoàng làng là công chúa Triều Ngọc (Thời Tiền Lê). Trong Miếu Triều Trang có bức hoành phi ghi chữ “Thuyết pháp hoá thân"; “Đinh Mùi niên chế cung tiến"(nghĩa là: “Vị thánh hoá thân giảng về phật pháp"; “Chế tạo năm Đinh Mùi (1907) cung kính tiến dâng"), 3 miếu thổ kì, 3 xóm thờ thần đất.

mhy.jpg

Đình Hội Yên xưa có kiến trúc chữ đinh gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung. Ba ngôi miếu thổ kì thờ thần đất của 3 xóm là Tứ Mỹ- Bạch Đằng- Nam Sơn. Tuy không nằm trong khu vực quy hoạch của danh thắng Đảo Cò, miếu, chùa, đình thôn Hội Yên là di tích được xếp hạng của tỉnh Hải Dương năm 2008. Cũng là địa chỉ góp phần mở rộng không gian du lịch cho du khách về thăm và sinh hoạt tín ngưỡng khu danh thắng và du lịch Đảo Cò.

Nhìn chung xã Chi Lăng Nam theo tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống của cha ông. Làng xây đình, chùa, đền, miếu để thờ thần, thờ thánh, thờ phật, thờ những ngài có công với làng với nước.

Căn cứ vào thần tích thần sắc của làng An Dương- Phương Dương- Triều Dương- Hội Yên lưu giữ tại trường Bắc Cổ thời Pháp và sau này lưu giữ tại viện Thông tin Khoa học Xã hội Hà Nội, từng làng thờ các ngài sau đây tại các đình, đền, miếu của làng:

Thành hoàng làng An Dương thờ 6 ngài (trong đó có 3 ngài là âm thần và 3 ngài là nhân thần):

         + Thờ 3 ngài là âm thần gồm:

- Đức Tích Phúc Duyên Hy- Công Chính Thuần Chính Thiên Quan.

- Đức Thiên Mao- tên húy là Thịnh.

- Đức Đại Độ- tên húy là Hầu.

Cả 3 ngài đều là dòng dõi thời Hùng Vương gọi là Sơn thần, cũng là âm thần do âm phù giúp Hai Bà Trưng đánh quân Tô Định (năm 40-43) và âm phù giúp vua Lê lợi đánh giặc Minh ( Thế kỷ XV).

         + Thờ 3 ngài là nhân thần gồm:

- Đức Phò mã Đô úy Hầu- tên húy là Hiến.

- Đức Đồng Quyết- tên húy là Uông.

- Đức Cao Dương- tên húy là Thắng.

Cả 3 ngài là nhân thần giúp nhà Trần đánh quân Nguyên Mông ở Thế kỷ XIII, các ngài đã cùng danh tướng Yết Kiêu, gia nô của Đức Thánh Trần Hưng Đạo mai phục quân thủy đánh tan quân giặc ở sông Bạch Đằng, các ngài được thờ tại đình, đền, miếu của làng.

Thành hoàng làng Triều Dương- còn gọi là làng Giao thờ 6 ngài, có một vị âm thần còn 5 vị nhân thần:

- Đức vua bà tên húy là Trần Phương (âm thần).

- Đức Phủ Đô Tôn Thần – tên húy là Nhân còn goi là ông Hoàng Cả.

- Đức Đại Độ Tôn Thần- húy là Phúc còn gọi là ông Hoàng Hai.

- Đức Linh Nang Thượng đẳng thần tên húy là Quý còn gọi là ông Hoàng Ba.

- Đức Cương Nghị Tôn Thần- tên húy là Minh còn gọi là ông Hoàng Tư.

- Đức Nha Sơ Tôn Thần- tên húy là Dương còn gọi là ông Hoàng Năm.

Đời Hùng Vương thứ VI có công đánh giặc Ân cùng Phù Đổng Thiên Vương.

Các ngài có Sắc phong thời Nguyễn: Tự Đức thứ 6 (1853)- Tự Đức thứ 33 (1880), Đồng Khánh thứ 2 (1887). Thành Thái Nguyên Niên (1889), Duy Tân thứ 3 (1909), Khải Định thứ 9 (1924). Các ngài được thờ ở đình, miếu, đền làng Triều Dương.

         Thành Hoàng làng Hội Yên (Làng Vối).

         - Thủy Tinh công chúa tên húy là Triều Ngọc (là con gái thứ tư của vua Lê Đại Hành) có sắc phong niên đại thời Nguyễn Tự Đức thứ 6 (1853), Đồng khánh thứ 2(1887), Thành Thái Nguyên Niên 1889, Duy Tân thứ 3 (1909), Khải Định thứ 9 (1924) nay thờ thành hoàng làng Hội Yên ở đình, miếu của làng.

         Như vậy các sắc phong cho các vị Thành hoàng các làng hầu hết có cùng niên đại.

         Từ xa xưa tới nay địa phương tôn thờ theo phong tục tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống.

Ngày mồng một, hôm rằm, ngày lễ Tết nhân dân làng xã thường ra đình, chùa, miếu cầu thần, phật cho mưa thuận gió hòa, làng xóm bình an mùa màng bội thu. Lập bàn thờ gia tiên tưởng nhớ những người đã khuất.

         Qua bao đời nay thực hư những câu chuyên về đình, chùa, miếu mạo chưa có kiểm chứng. Nhưng góp nhặt những câu chuyện về đình, chùa, miếu mạo ẩn chứa hiện hữu linh thiêng càng làm cho nét văn hóa tâm linh nơi đây thêm phần phong phú.

         2. Những sự kiện lịch sử

Mảnh đất này ngược dòng thời gian về trước mang đậm dấu ấn lịch sử.

         Vào Thế kỷ thứ VI, đây là vùng nước ngập trũng là căn cứ của nghĩa quân Triệu Quang Phục dưới Triều Lí Bí chống giặc Lương.

         Thời Trần đây là khu diễn ra cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông ở thế kỷ XIII.

         Vào những năm 1885- 1889 nằm trong vùng căn cứ nghĩa quân Nguyễn Thiện Thuật trong cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy lan rộng ở các tỉnh: Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình. Năm 1944 dưới sự chỉ đạo của Mặt trận Việt Minh huyện Thanh Miện, mặt trận Việt Minh xã Chi Lăng Nam đã vùng lên cướp kho thóc của phát xít Nhật tại Đình thôn Phương Dương (Hiện nay là ngã tư Đảo Cò về phía Tây Bắc) và cướp 2 thuyền thóc tại sông Cửu An thuộc địa phận thôn An Dương để cứu đói cho nhân dân trong vùng.

         Trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp các ngôi đình, chùa, miếu đều là những nơi sản xuất vũ khí, cất giấu vũ khí và che chở, nuôi  dưỡng, đảm bảo hoạt động an toàn của công binh xưởng quân khu III, nhà máy in khói lửa Bạch Đằng, xưởng in Đồng Tiến lúc thời bình.

         Khi thực dân Pháp càn quét đến mảnh đất này là địa điểm đào hầm bí mật, cất giấu vũ khí đồng thời là chiến trường tiêu diệt địch.

         Đặc biệt ngày 06/01/1947- thành lập Chi bộ xã Quyết Chiến tiền thân của Đảng bộ xã Chi Lăng Nam ngày nay, đầu tháng 4/1947 Đảng Bộ tỉnh Hải Dương đã chọn Đình thôn Triều Dương xã Chi Lăng Nam làm địa điểm để tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 2. Đây là một vinh dự lớn đối với toàn Đảng bộ xã Chi Lăng Nam.

         Tổng kết chiến tranh chống thực dân Pháp quân dân xã Chi Lăng Nam đã đánh 315 trận lớn nhỏ, tập kích 18 trận, phục kích 15 trận, phá tề 28 trận, đánh chống càn 114 trận, phối hợp xã bạn cùng bộ đội chủ lực đánh chống càn 49 trận.

         Đặc biệt 2 trận chiến đấu chống càn liên hoàn chiến xã Chi Lăng Nam:

         Trận thứ nhất ngày 13/04/1950, trận thứ 2 vào lúc 7h ngày 08/01/1954 đến 12/01/1954. Bộ Tổng tham mưu cục động viên dân quân về tại xã biên soạn 2 trận đánh làm tài liệu mật của Bộ Tổng tham mưu mang mã số 305 để nghiên cứu.

         Tổng kết cuộc kháng chiến chống Pháp ta đã tiêu diệt 219 tên địch. Có 1 quan Tư, 1 quan Ba, 2 quan Hai và 2 quan Một. Pháp thụt hầm chông 89 tên. Bắt sống 4 tên có 1 lính Đức, 3 lính ngụy.

         Quá trình tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và thời kỳ đổi mới xã Chi Lăng Nam được nhà nước tặng thưởng:

         - 01 Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng 2.

         - 01 Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng 2.

         - 01 Huân chương lao động hạng 3.

         Cuộc kháng chiến chống Pháp và những thăng trầm của lịch sử đã phá đi biết bao đình, chùa, miếu, mạo. Còn đâu nữa những đỉnh trụ đình, chùa, chạm nổi vô số hoa văn kì dị, cung đình. Còn đâu nữa những chiếc chuông to lắc lư, những cột đình, chùa đồ sộ, những bức mành buông, những hình vòm cuốn phủ một màu lam tím dịu mát mịn màng. Từ năm 1994 trở lại đây có sự đồng thuận của nhân dân trong toàn xã đã tu tạo và tân tạo được một ngôi đình và 4 ngôi chùa góp phần khởi sắc động viên phong trào văn hóa tâm linh tinh thần thêm phần phong phú.

         Quá trình nỗ lực phấn đấu không biết mệt mỏi của toàn đảng, toàn dân, ngày 01/6/1999 xã Chi Lăng Nam là xã đầu tiên của huyện Thanh Miện được nhà nước phong tặng Danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và hiện nay xã nhà là xã đầu tiên được công nhận nông thôn mới nâng cao năm 2021và đang phấn đấu hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của huyện Thanh Miện năm 2023.